Thứ Bảy, 8 tháng 8, 2015

 5 "lầm tưởng" về học nhóm


1. Học nhóm đông người = không hiệu quả
Theo quan điểm của các teen thì mỗi nhóm học nếu có từ 10 thành viên trở nên sẽ rất dễ tạo thành một cái chợ! Bởi vì có bao nhiêu người thì có bấy nhiêu cái “tôi”, có bấy nhiêu ý kiến phát biểu. Điều đó cũng có nghĩa là sẽ rất khó hoà hợp trong một không khí chung khi cái “tôi” của một số người quá mạnh. Hơn nữa, quá đông thì khó kiểm soát và khó kiểm tra đánh giá.
Tuy nhiên, các bạn phải hiểu rằng, một mặt khác, nếu một nhóm có đông người sẽ đồng nghĩa với các bạn sẽ có rất nhiều cái đầu sáng tạo, kinh nghiệm, và khi gánh nặng bài vở được chia sẻ càng nhiều, các bạn càng có thêm thời gian để tự học. Chỉ cần các bạn biết sắp xếp nhiệm vụ các thành viên một cách khoa học, có giấy trắng mực đen rõ ràng, các thành viên sẽ đều rất hữu ích đấy.
2. Học nhóm ít người = có hiệu quả
Bổ sung cho ý trên, đồng thời với việc cho rằng học nhóm quá đông có thể ảnh hưởng đến công việc chung, teen cũng cho rằng học nhóm càng ít người càng dễ tập trung, càng dễ tập trung, càng hiệu quả. Quan niệm ấy có caí đúng và cái chưa đúng.
Đúng là vì khi học nhóm với số lượng ít đồng nghĩa với tiếng ồn giảm, ít sự tranh cãi, ít ý kiến cá nhân hơn. Nhưng ngược lại, nếu nhóm các bạn toàn những mem hơi thụ động trong cách học thì nhóm sẽ không thể có được những ý tưởng sáng tạo, những sự tranh luận sôi nổi nhiệt tình. Hình thức một kèm một chỉ phù hợp khi bạn học với gia sư hoặc “đôi bạn cùng tiến” thôi. Nghĩa là sự chênh lệch kiến thức, trình độ giữa hai người là có, phần lớn bạn đóng vai trò bị động. Còn nếu đã là học nhóm thì nên càng có nhiều ý kiến khách quan, bàn luận để đi đến ý kiến thống nhất và đúng nhất thì tốt hơn.
Từ hai quan điểm trên, suy ra, một nhóm học sẽ có hiệu quả tốt nhất khi có số thành viên vừa đủ, phụ thuộc vào không gian học, quan hệ giữa các thành viên, đặc biệt là sự điều hành của người trưởng nhóm.
3. Các thành viên nhóm phải cùng một trình độ
Thông thường thì các nhóm học là những bạn chơi thân với nhau. Các bạn này lại thường có chung một khả năng học (là các mọt sách của lớp hay các mem chậm tiến). Các bạn cũng quan niệm rằng không nên có những thành viên có trình độ khác biệt vào nhóm của mình, nếu không sẽ không đạt kết quả tốt.
Ví dụ: một nhóm toàn những VIP học giỏi ở lớp không hề muốn có sự góp mặt của các mem học kém hơn họ, chậm tiếp thu hơn họ, điều đó sẽ làm giảm không khí học tập và tiến độ ôn tập của nhóm vip này. Tương tự, một nhóm toàn những bạn hơi kém một tí, mặc dù rất muốn có thành viên giỏi trong nhóm mình nhưng lại sợ bị coi thường, lên lớp.
Tốt nhất, một nhóm học nên có các thành viên với nhiều mức độ và khả năng học khác nhau. Vì xét cho cùng, học nhóm là để giúp nhau cùng tiến bộ. Các bạn giỏi sẽ truyền kinh nghiệm cho các bạn kém. Các bạn kém chưa chắc đã không có những ý kiến hay và hữu ích, mà chỉ vì họ không biết cách diễn giải mà thôi. Trong khi giảng giải cho các bạn yếu, các bạn khá cũng sẽ một lần nữa tự củng cố lại kiến thức cho mình.
4. Học là học, không chơi bời, giải trí gì hết!
Nhiều nhóm học hơi khắt khe trong chuyện học, ôn tập. Họ tự đưa ra quyết tâm: “Chỉ có học và ôn tập không ngừng mới có thể đạt kết quả tốt”. Thế là cứ đến giờ học nhóm, không khí lúc nào cũng như đưa đám, nặng nề, mở miệng ra là học, chuyện quanh đi quẩn lại cũng vẫn chỉ là ôn thi.
Quyết tâm học tập là tốt nhưng chớ biến việc học thành một cực hình, một gánh nặng. Nếu không, sẽ có ngày các thành viên trong nhóm hoặc là stress nặng nề hoặc là sẽ nổ tung đầu lên vì bị nhồi nhét quá nhiều. Học phải đi đôi với giải trí hợp lí. Một nhóm học thông minh là một nhóm học biết các thành viên muốn gì và làm gì để việc học trở nên nhẹ nhàng, thoải mái.
VD: Các bạn có thể treo những giải thưởng nho nhỏ nếu các thành viên có sự cố gắng trong học tập (được đi xem phim, xem ca nhạc, ăn chè…). Giữa các giờ học, trong giờ nghỉ, các bạn có thể cùng nhau nghe nhạc, ăn trái cây, cùng chơi các trò chơi nhẹ nhàng…
5. Học tức là “gạo” bài hoàn toàn trong sách vở
Một cách tự nhiên và gần như là chân lí, các teen luôn quan niệm học để đựơc điểm cao, để điểm cao thì phải có một kiến thức bách khoa, tức là ít nhất phải nắm rõ như lòng bàn tay các nội dung trong sách giáo khoa. Vì thế, hình thức học chủ yếu của các teen là cùng nhau ngồi giải bài tập, cùng nhau kiếm tra bài, ôn bài, ai không hiểu thì hỏi một thành viên khá nhất…chấm hết! Cách học như thế không hoàn toàn hiệu quả.
Teen là lứa tuổi mà các bạn say mê khám phá thế giới khoa học xã hội một cách tự nhiên. Đừng phủ nhận nhé, khám phá bằng chính cách của mình sẽ hay ho hơn nhiều là tiếp nhận những thứ đã được người ta tìm ra từ cách đó hàng thế kỉ. Cách học nhóm cần phải được đổi mới để việc học nhóm trở nên thú vị và có kết quả thực chất chứ không chỉ là điểm số bề ngoài.
VD: Các nhóm teen có thể tìm hiểu kiến thức qua việc cùng nhau dựng một vở kịch (đối với môn văn), cùng đi thăm quan một địa danh, một viện bảo tàng (đối với sử, địa), thành lập câu lạc bộ đố vui (hấu hết các môn học đều tốt), cùng nhau sưu tầm tư liệu, tranh ảnh…liên quan đến môn học.
Các bạn đừng sợ rằng những công việc nói trên là vô bổ, tốn thời gian. Cái mà chúng ta thu được đâu chỉ là kiến thức mà còn là kinh nghịêm thực tế, trên tất cả là niềm say mê môn học. Và các bạn cũng chẳng sợ mình đơn độc đâu. Trong các tiết sinh hoạt, các bạn có thể đề xuất cách học của nhóm mình lên cô chủ nhiệm, các cô giáo bộ môn để cả lớp, thậm chí cả trường cùng học với các bạn.
Chúc các nhóm học thật tốt nhé!

 (Sưu tầm)

7 điểm quan trọng trong giáo dục trẻ em


1. Lấy sự tôn trọng và thông cảm để đối xử với trẻ
Tôn trọng tức là coi trẻ là một con người độc lập, không bị người là chi phối. Dành cho trẻ sự tôn trọng đầy đủ là phải thỏa mãn yêu cầu độc lập của chúng. Khi trẻ làm điều gì đó có sai sót hoặc chưa hoàn thành, người lớn phải thông cảm với nó. Ví dụ trẻ rót nước nhỡ tay bị rớt ra ngoài hay động tác chậm thi người lớn phải có sự kiên nhẫn để thông cảm với trẻ. Nếu chúng ta không thông cám, chỉ vừa nhìn lấy trẻ làm không vừa ý, thế là quát mắng và mó tay vào làm, như vậy trẻ sẽ mất hứng thú, chán nản dấn dần mất đi lòng tự. Một nhà giáo dục học nói: Người lớn phải xuất phát từ thái độ “khiêm nhường” để đối xử với trẻ. Sự “khiêm nhường” là như thế nào? Nghĩa là người lớn phải có những dự định tìm hiểu về trẻ, không hiểu được như cầu của trẻ, không hiểu được năng lực của trẻ tức là không có thái độ khiêm nhường”.
Vậy làm thế nào để hiểu được trẻ? Đó là thông qua các hoạt động và vui chơi của trẻ. Với thái độ thành khẩn quan sát trẻ hoạt động để phát hiện nhu cầu và năng lực của trẻ. Từ đó có nhận thức rõ ràng về sự phát triển tính độc lập, phát triển mối quan hệ xã hội của trẻ v.v… Ngược lại, nếu người lớn có thái độ không “khiêm nhường”, cố chấp thành kiến cho rằng đối với trẻ cái gì mình cũng biết như “Tôi sớm đã biết mà” hoặc “Quả là như tôi dự đoán”... như vậy là đã gây trở ngại đến sự phát triển tính độc lập và sự hứng thú trong hoạt động của trẻ. Trẻ nhỏ phát triển và thay đổi từng ngày, năng lực của ngày hôm nay khác ngày hôm qua, cho nên chúng ta phải từ thái độ “khiêm nhường” để nhận thức trẻ, hiếu trẻ.
2 - Cùng với trẻ vui chơi và làm việc
Hàng ngày, phụ huynh nên bố trí một chút thời gian vui chơi cùng trẻ. Khi vui chơi hoặc làm việc với trẻ phải dùng ngôn ngữ chính xác, lời nói văn minh giao tiếp với trẻ, hình thành cho trẻ thói quen dùng ngôn ngữ lành mạnh từ lúc nhỏ. Mặt khác thông qua hoạt động vui chơi và hòa đồng với trẻ có thể hiểu được tinh cách, đặc điểm và năng lực trưởng thành. của trẻ. Ngược lại trẻ cũng cảm thụ được sự yêu thương, quan tâm của bố mẹ với minh. Đây là sự thiết lập mối quan hệ tốt đẹp giữa bố mẹ và con cái, nó rất quan trọng trong sự trưởng thành của trẻ.
3 - Xây dựng mối quan hệ linh hoạt với trẻ
Bố mẹ phải theo sát sự trưởng thành và phát triển của trẻ. Khi trẻ dần dần hướng đến sự độc lập bố mẹ không nên việc gì cũng giúp trẻ, không nên nhiều lời, phải nhìn thấy năng lực trưởng thành của trẻ.
Có mối liên quan linh hoạt trong gia đình, bố mẹ sẽ hiểu được sự phát triển năng lực của trẻ. Yên tâm để cho trẻ làm các việc khi trẻ tự làm được, chỉ khi trẻ yêu cầu thì mới giúp đỡ, như thế bố mẹ và trẻ mới có thể cùng sống và làm việc trong bâu không khí thoải mái và vui vẻ.
4 - Chú trọng xây dựng lòng tự tin cho trẻ
Lòng tự tin vô cùng quan trọng đối với trẻ, có lòng tự tin thì tính tự phát và tính độc lập mới có thể phát triển được. Làm thế nào để phát triển lòng tự tin của trẻ? Bố mẹ và mọi người trong gia đình phải có thái độ khích lệ, thừa nhận trẻ, không nên lúc nao cũng nói trẻ thế này là không đúng, thế kia là không đúng. Những lời lẽ có ý không tốt đều không có lợi cho sự xây dựng lòng tự tin của trẻ. Nếu trẻ có việc làm không tốt cũng phải thừa nhận nguyện vọng tốt đẹp của trẻ. Chẳng hạn khi trẻ làm việc gì đó chưa được thành thạo ta phải thông cảm cho trẻ, để trẻ có cơ hội làm lại, nó sẽ tự nhiên tiến bộ và lòng tự tin từng bước, từng bước được xây dựng.
5. Để cho trẻ có cơ hội độc lập làm việc
Khi trẻ muốn bắt chước người lớn làm việc gì đó thì phải tạo cơ hội cho trẻ làm. Nếu trẻ làm chậm mất nhiều thời gian ta cũng nên kiên nhẫn để cho trẻ có đủ thời gian hoàn thành công việc, đừng nên trách trẻ chậm chạp hay nói thế này thể nọ... Trên thực tế mục đích làm việc của trẻ và người lớn rất khác nhau. Mục đích làm việc của người lớn là mong giành được kết quả nên phải nhanh chóng hoàn thành công việc. Mục đích làm việc của trẻ là vì quá trình hưởng thụ, tích lũy kinh nghiệm cho nên trẻ làm việc chậm. Người lớn cảm thấy trẻ dềnh dàng là vì nó đang thể nghiệm nên cần cho trẻ có thêm thời gian, không gian, vật liệu và sự kiên nhẫn để trẻ độc lập làm việc. Chỉ có thông qua làm việc độc lập, trẻ mới có thể trưởng thành.

6. Để trẻ sinh hoạt có quy luật từ nhỏ
Phải dành cho trẻ một hoàn cảnh trật tự mà không phái là mệt hoàn cảnh bừa bộn. Phải tạo cho trẻ một quy tắc sinh hoạt trong gia đình như ăn cơm ăn ở đâu uống nước ở chỗ nào, đại tiểu tiện ra làm sao, vui chơi ở khu vực nào, những đồ vật nào không được động đến v.v… Như vậy sinh hoạt của trẻ sẽ có quy luật, nề nếp, đồng thời cũng hình thành cho trẻ tính kỷ luật và ý thức trật tự ngăn nắp.
7. Cho trẻ có cơ hội tiếp xúc với lớp trẻ cùng tuổi
Ở trong các gia đình con một, trẻ nhỏ hàng ngày chỉ tiếp xúc với người lớn nên trẻ rất muốn tiếp xúc, vui chơi với trẻ cùng lứa. Trong mọi điều kiện, ở mọi nơi, chúng ta nên tạo cơ hội cho trẻ giao lưu với lớp trẻ cùng tuổi hoặc xấp xỉ để trẻ phát triển năng lực xã giao, biết cách quan hệ với người khác. Không nên trói buộc trẻ trong một gia đình cửa đóng then cài làm trẻ mất đi cơ hội và hứng thú trong quan hệ.
(Sưu tầm)