Thứ Hai, 2 tháng 11, 2015

Người nông dân trong truyện ngắn "Làng" của Kim Lân

Nhân vật ông Hai trong Làng - Kim Lân.



  Nhà thơ Xuân Quỳnh kết thúc bài thơ “Tiếng gà trưa”với một khái quát thật hình tượng:

Cháu chiến đấu hôm nay

Vì lòng yêu Tổ quốc

Vì xóm làng thân thuộc

Bà ơi, cũng vì bà

Vì tiếng gà cục tác

 Ổ trứng hồng tuổi thơ.

       Tình cảm đối với làng, với nước, không phải là những biểu hiện mơ hồ, trừu tượng, mà trong văn học, tình cảm lớn lao, thiêng liêng ấy được biểu hiện thật cảm động. Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tình cảm yêu làng, yêu nước của người nông dân đã được nhà văn Kim Lân thể hiện thật thành công. Ông Hai trong truyện Làng đã sống trong lòng người đọc nhiều thế hệ bởi những tình cảm yêu làng yêu nước, yêu kháng chiến với những nỗi buồn, niềm vui và biết bao xót đau, trăn trở... Lật lại từng trang truyện, ta nghẹn ngào xúc động cùng buồn vui với nhân vật, càng thấu hiểu được vẻ đẹp ẩn chứa trong bức tranh nội tâm của ông Hai – nhân vật chính của truyện.

       Tình yêu làng sâu sắc là nét đẹp nổi bật trong tâm hồn ông Hai. Tình cảm ấy được Kim Lân thể hiện gọn trong một nét tâm lý hay khoe của ông Hai. Ông khoe làng ông có cái phòng thông tin tuyện truyền sáng sủa, rộng rải nhất vùng, con đường làng, chòi thông tin...lời khoe ấy biểu hiện một niềm tự hào về làng quê, tự hào về sự giàu có của làng mình..Đặc biệt Kim lân đã chú ý thể hiện nội tâm của ông Hai khi kể chuyện về làng mình. Khi thì ông say sưa, náo nức lạ thường, hai con mắt sáng hẳn lên, cái mặt biến chuyển, hoạt động. khi thì hãnh diện,  mê man giảng giải, lúc lại rành rọt từng cái một, có lúc ngậm ngùi chua xót. Miêu tả tâm lý nhân vật bằng những nét miêu tả sinh động, Kim lân đã thực sự làm nên cái duyên của truyện và cũng vì thế mà nội tâm nhân vật được sinh động và cuốn hút kì lạ. Người đọc cứ muốn khám phá và hiểu thêm ông Hai rất nhiều.

      Ông Hai hay khoe làng, sống xởi lởi là thế, mà khi tản cư, ông phải nén lòng lại, sống trong tù túng, nhớ thương. Câu nói “ tản cư âu cũng là kháng chiến” là tiếng nói tự động viên lòng mình chăng! Có lẽ nghĩ như thế lòng ông Hai nhẹ đi phần nào khi phải xa làng.  Khoe làng giàu có, làng kháng chiến với những giao thông hào, những đêm tập quân sự, ông Hai rất muốn tham gia trực tiếp cuộc kháng chiến ở làng. Rõ ràng, bắt nguồn từ truyền thống yêu quê hương, niềm tự hào dân tộc, tình cảm của ông Hai dành cho làng là một tình cảm  sâu sắc, thiết tha vô cùng. Tình cảm ấy cũng là nét tâm lý chung của mọi tầng lớp nhân dân lúc bấy giờ.

         Kim Lân rất tinh tế khi phát hiện sự chuyến đổi tâm lý trong nhân vật ông Hai. Tình cảm ấy không náu mình dưới bóng tre làng râm mát mà mở rộng ra thành ý thức tránh nhiệm với Tổ quốc, đất nước. Khéo léo xây dựng tình huống để nhân vật bộc lộ trực tiếp nội tâm của mình, đây cũng là điểm nghệ thuật thành công của Kim Lân. Vừa hả hê trước thất bại của giặc, một tin dữ lại bất ngờ ập đến. Một người đàn bà tản cư lên  nói “ cả làng chúng nó Việt gian theo Tây ...Việt gian từ thằng chủ tịch mà đi...” Lời ấy như  nhát dao cắt đứt từng khúc ruột . Còn nỗi đau nào hơn niềm tin bị đỗ vỡ. Thật đau đớn , thật xót xa, khi mà cả cuộc đời ông dành để yêu thương trọn vẹn, tin tưởng trọn vẹn làng quê. Ông không tin vào điều ấy. Nhưng sự thật đã rành rành ra đấy. Tác giả miêu tả khuôn mặt ông Hai như những nét hiện hình về nỗi đau khổ không nén được  “Cổ ông lão nghẹn ắng hẳn lại, da mặt tê rân rân. Ông lão  tưởng như lặng đi, không thở được nữa. Một lúc lâu ông mới rặn è è, nuốt một cái gì vướng ở cổ. Ông cất tiếng hỏi, giọng lạc hẳn đi” Cái nghẹn ngào ấy phải chăng là sự uất ức, tức giận, ngạc nhiên không thể nuốt trôi? Ông chỉ biết cúi gằm mặt xuống mà đi về đến nhà ông năm vật ra giường nước mắt ông lão giàn ra, chảy ròng ròng hai bên má. Có lẽ, nếu ông không quá yêu làng thì đâu cảm thấy dằn vặt đến vậy, làng mà ông tin tưởng, yêu quý, gắn bó lại là một làng theo giặc. Nỗi đau đớn, xót xa, tủi hổ đã biến thành nỗi ám ảnh, sợ hãi thương trực trong ông. Ông sợ tiếp xúc, sợ bàn tán, sợ người ta biết mình là người làng chợ Dầu, sợ bị hắt hủi, đuổi đi. Chao ôi! Cực nhục chưa, cả làng Việt gian! Rồi đây biết làm ăn buôn bán ra sao? Ai người ta chứa. Ai người ta buôn bán mấy....Lời than của ông đã biểu hiện nỗi lòng sâu nặng với làng với nước! ông đã từng da diết nhớ làng, mong được trở về làng, nhưng bây giờ khi ý nghĩ ấy vừa đến ông đã phản đối ngay “về làng tức là rời bỏ kháng chiến, bỏ cụ Hồ” Tình yêu làng dẫu có thiết tha, mãnh liệt đến đâu cũng không thể mạnh bằng tình yêu nước. Vì thế mà ông Hai đã có thái độ thật dứt khoát: Làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây rồi thì phải thù. Những diễn biến, xung đột diễn ra mỗi lúc mỗi quyết liệt, dồn nén.

      Từ một người nông dân yêu làng sống xởi lởi, sôi nổi, hay nói, hay khoe về làng, ông Hai trở thành người lặng lẽ, buồn khổ. Trong hoàn cảnh ấy, Kim Lân để ông Hai bộc lộ nội tâm qua lời tâm sự với đứa con nhỏ của mình thật cảm động. Cuộc trò chuyện của ông với đứa út xoay quanh hai việc: Nhà ta ở làng Chợ Dầu, và ủng hộ cụ Hồ Chí Minh muôn năm. Ông nói như thế để ngỏ lòng mình, như để mình lại minh oan cho mình nữa. Đoạn độc thoại này đã biểu hiện thật cảm động nội tâm yêu làng yêu nước của ông Hai. Có lẽ, phải thật sự am hiểu sâu sắc về con người, nhất là tâm lý người nông dân, nhà văn Kim Lân mới diễn tả tình yêu làng, yêu nước của nhân vật ông Hai đúng và hay đến vậy!

     Nếu như  trước ông Hai buồn khổ bao nhiêu  thì lúc tin đồn được cải chính ông vui mừng bấy nhiêu. Cái khuôn mặt buồn thỉu, đau đớn, sầu khổ, cái mặt buồn thỉu mọi ngày bỗng tươi vui, rạng rõ hẳn lên. Mồm bỏm bẻm nhai trầu, cặp mắt hung hung đỏ, hấp háy. Ông tất bật đưa quà cho con rồi lật đật đi khoe. Ông “Lật đật đi thẳng sang gian bác Thứ; lật đật bỏ lên nhà trên, lật đật bỏ đi nơi khác; múa tay lên mà khoe; vén quần lên tận bẹn mà nói chuyện về cái làng của ông...” ông kể việc làng bị đốt, nhà bị đốt mà ông vẫn vui. Vì sao ông không tỏ ra thương tiếc buồn rầu gì cả? Bởi ông hiểu nhà ông bị đốt cháy chính là một bằng chứng minh oan cho sự hiểu lầm và sự nghi ngờ từ tin xấu rõ ràng là được thanh minh. Niềm vui thật kỳ lạ, nó xua đi tất cả những gì đen tối trong đầu ông Hai. Ông vui sướng vì niềm tin, tình yêu làng trong ông là đúng, không bao giờ có thể dập tắt được. Cuộc kháng chiến còn dài, sự mất mát, hy sinh là lẽ thường và ông, dân làng ông sẵn sàng! Lối viết lôi cuốn, độc đáo của tác giả dẫn người đọc  đến sự cảm thông chia sẻ, yêu quý ông Hai; khiến người đọc yêu mến, đồng cảm với nhân vật. Đây cũng là thành công lớn của Kim Lân.

            Cách xây dựng nhân vật trong tình huống kịch tính, mở nút, thắt nút bất ngờ khiến người đọc hồi hộp lo lắng, chú ý. Đặc biệt là biệt tài miêu tả tâm lý nhân vật sâu sắc, sinh động; cách xen tả và kể; cách sắp xếp tâm lý đối lập nhau tạo nên một bức tranh nội tâm với những mảng màu tương phản, ấn tượng mà hết sức gần gũi. Những thành công về nghệ thuật đã khắc hoạ đậm nét cá tính nhân vật và thể hiện nội tâm nhân vật thật sâu sắc.

            Đọc truỵện làng của Kim Lân, em càng hiểu về nhân vật ông Hai, một nông dân trong kháng chiến. Phải chăng qua những nét tính cách, qua nội tâm yêu làng yêu nước, son sắt thuỷ chung với kháng chiến, với cụ Hồ, Kim Lân đã đề cao những điều đáng quý về nhân dân trong kháng chiến. Tác phẩm ca ngợi những phẩm chất của người nông dân trong kháng chiến cũng là cách nhìn đầy tin tưởng của nhà văn với cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc ta. Từ đấy, em càng hiểu hơn về cuộc kháng chiến của dân tộc, càng trân trọng tình yêu làng yêu nước trong những con người bình thường mà chính tấm lòng yêu làng yêu nước ấy là sức mạnh tinh thần vô cùng to lớn để cả dân tộc làm nên chiến thắng, đem lại cuộc sống thanh bình ngày hôm nay!

      Xây dựng nhân vật ông Hai, tác giả đã tô thêm những nét đẹp cho con người Việt Nam. Họ không chỉ cần cù, chăm chỉ, thông minh mà còn có tình yêu quê hương đất nước mãnh liệt, sẵn sàng hy sinh mọi thứ vì Tổ quốc thân yêu. Tác giả  A li  a  Ê ren Bua khẳng định: “Lòng yêu nhà, yêu làng xóm yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ Quốc”. Đúng vậy! Vẻ đẹp tâm hồn của ông Hai, nhân vật chính trong truyện ngắn Làng của Kim Lân, mang tình cảm ấy, một tình cảm thiết tha trong sáng, thuỷ chung, sâu sắc thật xúc động.


(Sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét